Trào lưu “Bán nhà vì vỡ nợ mùa Euro”

Trên nhiều trang rao vặt, diễn đàn hiện có không ít những dòng rao bán rẻ đến mức gây sốc. Hàng loạt các căn hộ chung cư cao cấp, lô đất nền, đất thổ cư rao bán giảm giá nhan nhản với mác “vỡ nợ”, thậm chí có trường hợp còn kể khổ: “Con trai của chủ nhà làm ăn thua lỗ nên bố bán để trả nợ cho con”, hay quảng cáo ấn tượng “bán nhà rẻ như cho không”…

Ngay sau khi trận chung kết Euro, trên các diễn đàn nhà đất đã ra rả những lời rao bán nhà đất “ăn theo” mùa Euro này. Những lời rao bán như: “Vỡ nợ vì Euro, bán gấp mảnh đất 100m2”, “Vỡ nợ vì Euro, bán gấp mặt tiền tỉnh lộ…”, “Bán nhà gấp vì Euro”,… vì thế cũng nhận được sự chú ý của nhiều người giao dịch.

Tương tự tại tin rao vặt khác, một người tự xưng tên H. (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết, do đang cần tiền trả nợ bóng đá, nên cần bán gấp một lô đất 10x26m, gần chợ Bình Chánh với giá rẻ. “Bình thường mảnh đất này cũng hơn 700 triệu, nhưng giờ anh đang túng quá, nếu em muốn mua, anh bớt còn 500 triệu. Được thì anh em mình lên ủy ban làm giấy tờ ngay trong ngày luôn cũng được, đất có sổ đỏ nên xử lý nhanh thôi”, anh H. viết.

Một rao bán khác tại Bình Dương cần bán gấp lô đất 6.000 m2 với giá 1.4 triệu đồng/m2 vì thua cá độ mùa Euro. Tương tự, một ráo bán khác: Cần 600 triệu trả nợ Euro, bán gấp căn nhà cấp 4 Phú Hòa 100m2 thổ cư 60m, có sân để xe hơi đường 4m. Bên cạnh việc giới thiệu về vị trí, chất lượng căn hộ, chủ nhân còn nhấn mạnh thêm: “Nhà đẹp mới xây, do vỡ nợ cần bán gấp để trả nợ”.

Cùng cảnh ngộ, chủ nhân một lô đất 118 m2 ở Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cần bán nhanh trả nợ với giá mềm 65 triệu đồng/m2. Lô đất nằm ở vị trí phố Vũ Tông Phan, thuộc khu phân lô quân đội, từ Ngã Tư Sở xuống 700m, ngõ rộng ô tô 7 chỗ tránh nhau được.

 

Nhan nhản những thông tin rao bán bất động sản vì vỡ nợ.

Chỉ là mánh khóe, chiêu trò

Trước trào lưu mua bán trên, PV so sánh giá của một số bất động sản rao bán vì vỡ nợ với những sản phẩm nhà đất cùng loại, cùng vị trí thì mức giá không thấp hơn.

Bình luận về điều này, ông Nguyễn Vũ Cao – Giám đốc Sàn Bất động sản Hoàng Gia cho rằng, một số người chơi cá độ mùa Euro rồi thua phải bán nhà đất với giá rẻ thực sự là có nhưng tỷ lệ này rất ít.

“Chính điều này cũng đã khiến nhiều môi giới lợi dụng để đăng tin lên các sản phẩm bất động sản nhằm câu khách. Đây là một nghệ thuật kinh doanh của môi giới nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người mua nhà khi tiếp cận thông tin đó không chính xác”, ông Cao nói.

Mặc dù đánh giá kiểu đăng tin đó của môi giới là giải pháp câu khách hàng thông minh nhưng ông Cao lại cho rằng, đó chỉ là cách kiếm tiền chộp giật. Việc tung ra thị trường những thông tin không đúng sự thật gây nhiễu loạn thông tin thị trường, về dài hạn sẽ khiến lượng khách hàng giảm đi.

Ông Nguyễn Văn Đực , Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, những tin rao bán đó thực chất chỉ là mánh khóe, chiêu trò của người bán hàng bởi lẽ, người vỡ nợ thực sự thì không ai công khai vì như thế sẽ bị người mua “nắm thóp” đang cần tiền nên sẽ mua với giá rất rẻ.

“Nếu người ta tự nhận vỡ nợ thì chỉ là cách để làm cho người mua tưởng đây là giá rẻ, mua được giá hời của một con nợ “khát nước”, nhưng thực tế thì lại không phải thế”, ông Đực cho hay.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, những lời rao bán đất, bán nhà như nêu trên, không loại trừ khả năng là do các nhân viên môi giới bất động sản tung ra để “bịp” khách hàng: “Thông thường, với những tin rao bán như vậy, khách hàng cứ nghĩ rằng mình sẽ được mua hàng với giá rẻ do người bán đang trong tình trạng túng quẫn.

Thế nhưng lại không ngờ rằng đây chính là chiêu trò của dân môi giới, nâng khống giá trị mảnh đất lên, sau đó hạ xuống để đạt được ý đồ của người bán. Nếu không tỉnh táo, khách mua hàng có thể rơi vào những cái bẫy này một cách ngọt ngào”.

Cũng theo vị này, nếu quả thực người bán rơi vào cảnh vỡ nợ vì cá độ, khách hàng cũng cần phải xem xét thật kỹ trước khi đặt bút ký mua. “Với những người túng quẫn, ai dám chắc họ không làm liều, mang mảnh đất đi bán hay cầm cố cho người này, người kia để lấy tiền. Nếu mình chỉ cần chủ quan hay lơ là một chút là có thể bị lừa, rơi vào cảnh tiền mất tật mang”.

Thực chất, áp lực bán tháo hiện nay đang diễn ra trên diện rộng do nhiều lý do, trong đó, vỡ nợ cũng là một khả năng. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp vỡ nợ thật, có không ít người mượn danh này để đẩy hàng nhanh, gây sự thu hút của người mua. Khi mang tiếng vỡ nợ, bán tháo, người rao bán sẽ tạo ra cảm giác giá bèo, giá rẻ bất ngờ. Đây là một chiêu marketing được nhiều môi giới cũng như người bán bất động sản sử dụng.

Hình thức mượn chiêu vỡ nợ bán tháo thường xảy ra đối với những đơn vị tư nhân, không sợ ảnh hưởng đến thương hiệu như các tổ chức hoặc doanh nghiệp bất động sản. Đưa ra hình thức bán tháo ảo chỉ làm người mua mất lòng tin và càng làm thị trường ế ẩm hơn.

Hiện nay, giá cả chỉ là một phần quyết định đến yếu tố thanh khoản, chỉ những khu đất, căn chung cư đầy đủ thủ tục pháp lý, thuận lợi cho việc đi lại mới thực sự có giao dịch.

Người mua nhà cần có sự tham chiếu trước những thông tin rao bán đó để xem giá bán sản phẩm bất động sản đó có thực sự rẻ không. Đồng thời cần cẩn thận từ khâu pháp lý đến giao dịch mua bán có chuẩn hay không… để tránh mua bán bị hớ hoặc bị lừa đảo./.