Người dân Việt thường cúng ngày Thần Tài để cầu tiền tài, may mắn đến cho gia đình trong năm mới. Cùng tìm hiểu những phong tục ngày vía Thần Tài để sắm vật phẩm và lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài, mong muốn một năm làm ăn thuận lợi, nhiều may mắn tài lộc, “tiền vào như nước”.
Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày vía Thần tài:
Theo lịch âm dương, ngày vía Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vậy năm nay, ngày Thần Tài năm 2022 rơi vào thứ 5, ngày 10 tháng 2 năm 2022 theo dương lịch.
Ngày vía Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ XX.
Tại nước ta, có một sự tích liên quan tới ngày vía Thần Tài. Tương truyền, Thần Tài từng có lần vì uống rượu say mà rơi xuống trần gian. Có người nhìn thấy ông mặc đồ như diễn tuồng cải lương nên đã lấy sạch đồ áo của ông đem bán. Không nhớ ra mình là ai, Thần Tài đi lang thang khắp nơi xin ăn. Một cửa hàng bán gà, vịt quay thấy Thần Tài đáng thương nên đã mời ông vào ăn. Kể từ đó, cửa hàng lúc nào cũng đông khách, người ra vào tấp nập.
Sau này, vì sợ bộ dạng lấm lem của Thần Tài sẽ khiến khách hàng không hài lòng nên chủ quán đã đuổi không cho ông vào ăn nữa. Rất nhiều tiệm kinh doanh khác nghe được tin này liền tìm cách mời Thần Tài về nơi buôn bán của mình để “Thần Tài gõ cửa”. Một ngày nọ, có người dắt ông đi mua quần áo mới. Trong cửa tiệm, Thần Tài nhìn thấy bộ đồ trước đây của mình liền nhớ đến thân phận của bản thân và bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.
Từ đó, để tưởng nhớ ông, người dân đã lập bàn thờ cúng và chọn ngày này làm ngày vía Thần Tài. Vì vậy, cứ tới mùng 10 tháng Giêng, mọi người sẽ sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng để cầu tài lộc, may mắn, sung túc cho cả năm.
Những phong tục ngày vía Thần Tài
Ngày vía Thần Tài hàng năm người dân Việt thường làm theo một số phong tục sau để cầu mong may mắn và tài lộc:
Cúng ngày vía Thần Tài
Theo truyền thống văn hóa trong dân gian, vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, mọi nhà sẽ rộn ràng đi sắm đồ lễ cúng với mong muốn lấy vía Thần Tài để cầu làm ăn buôn bán, kinh doanh được thuận lợi, suôn sẻ. Trong ngày vía Thần Tài, nhiều nhà sẽ lau dọn ban thờ Thần Tài, chuẩn bị lễ cúng chu đáo hơn những ngày thường để thể hiện sự thành tâm, cầu may mắn và tài lộc cho gia đình mình.
Lễ cúng Thần Tài tùy theo phong tục của từng vùng miền, nhưng thường là bộ “tam sên” gồm thịt heo luộc, tôm luộc, trứng luộc hay mâm cỗ mặn gồm các lễ vật như một lọ hoa, một con tôm, một con cá lóc nướng, một con cua, một miếng heo quay, một bộ giấy tiền vàng mã, một đĩa ngũ quả, chung rượu.
Việc chào đón Thần Tài được thực hiện từ sáng sớm ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch. Gia chủ tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo tươm tất chỉnh tề, trong nhà nên mở tất cả các cửa, nhất là cửa sổ đối diện với hướng Tây – đây được coi là hướng Tài Lộc, để đón nhận năng lượng tích cực nhất. Ngày này cũng nên giữ tâm trạng vui vẻ, phấn khởi và tránh cãi cọ hoặ to tiếng, làm những điều không hay.
Mua vàng ngày vía Thần Tài
Một trong những thói quen tồn tại bấy lâu này của người dân Việt mỗi khi đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch chính là đi mua vàng để thể hiện mong muốn được “buôn may bán đắt”. Theo quan niệm xưa cho rằng mua vàng vào ngày vía Thần Tài thì sẽ được may mắn, tài lộc cho cả năm. Nên cứ đến ngày vía Thần Tài nhiều người sẽ mua vàng để cúng trên ban thần tài và tích trữ cho cả năm. Cầu cho một năm hanh thông, đắc tài đắc lộc, tiền bạc cả năm được rủng rỉnh, đầy túi.
Theo các chuyên gia tài chính, người dân chỉ nên mua vàng với số lượng nhỏ đế lấy may trong ngày Thần Tài, bởi những ngày này giá vàng thường khá cao. Minh chứng là trong thời gian gần đây, giá vàng trong nước đang đắt hơn giá thế giới rất nhiều, có thời điểm chênh lên tới hơn 7 triệu đồng/lượng.
Mua trang sức đồ phong thuỷ
Vào ngày Thần Tài, nhiều người, nhất là những người làm ăn kinh doanh thường chọn mua 1 số trang sức, vật phẩm phong thủy để đổi vía, lấy hên đầu năm như mặt dây chuyền phong thủy, vòng tay,… cầu mong công việc thuận buồm xuôi gió, gặp nhiều may mắn.
Nguồn: Sưu tầm