Vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường rất đa dạng trên thế giới. Một số vật liệu bền vững nhất là sản phẩm của những phát minh hiện đại, một số đã tồn tại rất lâu như gạch sống.
Gạch sống – Vật liệu xanh lâu đời nhất trên thế giới
Một trong những vật liệu xanh lâu đời nhất hành tinh đã được sử dụng cách đây ít nhất 4.000 năm, được biết đến như “gạch bùn” ở Ai Cập hay “gạch bùn và rơm” ở Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha đã đưa công nghệ sản xuất gạch này đến những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha. Những người dân bản địa Mỹ đã quen thuộc với việc sử dụng gạch sống trong xây dựng.
Trong điều kiện khí hậu sa mạc khô, nóng bỏng các tòa nhà xây dựng bằng gạch sống có khả năng tiết kiệm năng lượng, cung cấp không gian tự nhiên mát mẻ trong những ngày nóng. Những bức tường trở thành những khối nhiệt lượng lớn. Khi thời tiết lạnh, những bức tường sẽ cung cấp không khí ấm áp do hấp thụ từ bức xạ mặt trời trong ngày. Tuy bằng vật liệu tự nhiên nhưng cấu trúc gạch sống rất kiên cố, thậm chí còn có thể chống cháy.
Những vật liệu xanh đơn giản nhất ở xung quanh chúng ta để làm ra những viên gạch sống đó là đất, nước. Và bạn chỉ cần một cái hố trên mặt đất để trộn các nguyên liệu bằng tay. Để có tỷ lệ thành công cao cần sử dụng một hỗn hợp đất sét khoảng 15%, 10-30% phù sa và 55-75% cát mịn.
Khung gỗ được sử dụng để chuẩn hóa hình dạng của gạch thành phẩm, chúng có thể mang nhiều hình dạng khác nhau tùy vào từng khu vực. Tất nhiên, máy móc hiện đại như máy xúc và máy làm gạch cũng được sử dụng để tăng tốc độ quá trình sản xuất gạch, tuy nhiên trên thế giới gạch không nung làm bằng tay vẫn được làm một cách phổ biến.
Vật liệu hữu cơ như rơm hay phân bón cũng thường được trộn thêm vào hỗn hợp để bổ sung độ chắc cho gạch. Sau khi được hình thành viên gạch sẽ được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, di chuyển chúng để đảm bảo khô đồng đều. Không giống như gạch nung tiêu chuẩn, gạch không nung duy trì đặc tính cách nhiệt tuyệt vời khi được phơi khô dưới nắng.