Cúng mùng 3 Tết Nguyên đán và lễ hoá vàng tiễn tổ tiên đều là những tập tục, nghi lễ quan trọng trong văn hoá lễ Tết của người Việt ta. Tuy nhiên, lễ hóa vàng còn được tiến hành từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 Tết.
Tập tục Lễ hoá vàng sau Tết Nguyên Đán của người dân Việt Nam
Thấm thoắt đã hết ba ngày Tết, các gia đình lại tất bật sửa soạn cho ngày hóa vàng, tiễn đưa ông bà, tổ tiên sau khi đã mời ông bà, tổ tiên ngày 30 về hưởng ba ngày Tết. Trong ba ngày này, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ. Do vậy, đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như hoa quả, mâm ngũ quả và bánh kẹo phải đợi đến “ngày hóa vàng” mới được hạ xuống. Đây là một nghi lễ rất quan trọng trong tâm thức người Việt.
Hóa vàng hay còn gọi là lễ tạ là một dạng dâng cúng vật chất cho thần linh. Bởi không thể dùng tiền thật để đốt, nên người ta phải nhờ đến tiền vàng mã với những hình tròn, hình vuông giống hình tiền. Ngày nay còn có cả rất nhiều hình điện thoại, nhà cửa, xe máy, ô tô, quần áo… cho người thân ở “thế giới bên kia”.
Theo quan niệm truyền thống, có lễ tạ thì tấm lòng gia chủ mới được người âm chứng giám, phù hộ cho gia đình được bình an, làm ăn tấn tới trong năm mới.
Thông thường ngày hóa vàng sẽ diễn ra từ ngày mùng Ba đến ngày mùng Mười tháng Giêng Âm lịch. Song, trong cuộc sống hiện đại, hầu hết các gia đình đều hóa vàng ngày mùng Ba để sớm quay trở lại với công việc.
Tùy điều kiện kinh tế và phong tục tập quán các địa phương, mỗi gia đình chuẩn bị mâm cỗ hóa vàng khác nhau theo khả năng tài chính và điều cốt yếu là ở tấm lòng thành.
Lễ vật dâng cúng hóa vàng gồm: Nhang, hoa, ngũ quả; trầu cau, rượu, đèn nến, bánh kẹo; mâm lễ mặn hoặc chay cùng các món ăn ngày Tết đầy đủ, tinh khiết.
Mâm cúng hóa vàng cũng là dịp để anh em quây quần ăn bữa cơm cuối trước khi mỗi người một việc tản đi bốn phương và hẹn nhau đoàn tụ vào Tết năm sau nữa.